BÀI THUYẾT MINH GIỚI THIỆU DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỒI A1

Đã hơn 60 năm trôi qua nhưng sự khốc liệt của chiến trường Điện Biên, lòng quả cảm và tinh thần hy sinh không tiếc máu xương của các chiến sĩ đồng bào tham gia chiến dịch để mang lại chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn vang vọng mãi trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam cũng như bạn bè thế giới. Hôm nay đây chúng ta đang đứng trên mảnh đất lịch sử anh hùng, trời Điện Biên khói lửa năm xưa nay đã khoác lên mình màu xanh của sự bình yên. Những cái tên Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam cùng với Đồi A1, D1....đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi.
BÀI THAM GIA DỰ THI: GIỚI THIỆU DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỒI A1
 
Kính thưa các vị đại biểu cùng toàn thể quý khách:
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời, phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn". "Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới".
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi qua nhưng dư âm của nó vẫn còn vang vọng mãi trong những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam và khắc sâu trong lịch sử nhân loại, một mốc son chói lọi bằng vàng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân Việt Nam.
“Chín năm làm một Điện Biên
Lên vành hoa đỏ, lên thiên sử vàng”
Đã hơn 60 năm trôi qua nhưng sự khốc liệt của chiến trường Điện Biên, lòng quả cảm và tinh thần hy sinh không tiếc máu xương của các chiến sĩ đồng bào tham gia chiến dịch để mang lại chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn vang vọng mãi trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam cũng như bạn bè thế giới. Hôm nay đây chúng ta đang đứng trên mảnh đất lịch sử anh hùng, trời Điện Biên khói lửa năm xưa nay đã khoác lên mình màu xanh của sự bình yên. Những cái tên Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam cùng với Đồi A1, D1....đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi.
Kính thưa quý vị! Để làm nên trang sử vẻ vang ấy hàng ngàn chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu và vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Các anh hi sinh nhưng hình hài các anh không còn nguyên vẹn nữa, máu của các anh đã hoà vào lòng đất để cho non sông đất nước có ngày độc lập bình yên, cho nhân dân được ấm no hạnh phúc.
Chiến tranh đã lùi xa, trên mảnh đất Điện Biên Phủ không còn là trận địa với những hố bom, bãi mìn nữa. Nhưng những chứng tích của 1 thời “máu lửa” vẫn còn sống mãi cùng với thời gian. Về với Điện Biên hôm nay là về với mảnh đất của lịch sử, về với cội nguồn làm nên chiến thắng vẻ vang.  Nơi chúng ta đang dừng chân chính là di tích Đồi A1, nơi đã chứng kiến biết bao thăng trầm của mảnh đất lịch sử. Cũng chính trên mảnh đất này đã thấm đẫm biết bao mồ hôi, xương máu của những người con ưu tú của cách mạng Việt Nam quyết hy sinh thân mình cho độc lập, tự do của quê hương đất nước. Nếu như chúng ta biết đến Quảng Trị với Thành Cổ là nơi diễn ra trận đánh ác liệt nhất và hy sinh nhiều nhất thì Điện Biên Phủ có đồi A1. Di tích A1 (cứ điểm Elian 2) nằm cạnh quốc lộ 279 (đường 7/5) thuộc phường Mường Thanh thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Cứ điểm này cao 32m so với mặt đường có diện tích 53.000m2, cách Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp khoảng 500 m về phía Tây theo đường chim bay. Đồi A1 thuộc dãy đồi phía Đông cùng với C1, C2, D và E tạo thành bức tường thành vững chắc che chở cho phân khu trung tâm, là điểm cao cuối cùng trực tiếp che chở cho Sở chỉ huy quân Pháp và được ví như “chìa khóa” của cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn biến với 56 ngày đêm thì trận đánh tại đồi A1 diễn biến với 39 ngày đêm. Trải qua 39 ngày đêm chiến đấu hơn 2.500 chiến sĩ của chúng ta đã hy sinh trên mảnh đất nơi đây. Mồ hôi, xương máu của các anh đã thấm đẫm từng tấc đất, từng ngọn cỏ trên đồi A1 này. Đến với A1 hôm nay xin các bạn hãy: 
“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
A1 rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là cuộc đời có thật
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào”!
Bây giờ mời đoàn chúng ta lên tham quan thực tế trên di tích!
          Giới thiệu vị trí “Lô cốt cây đa cụt”:
          Thưa quý khách! Cứ điểm A1 nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, được coi là “cuống họng, chìa khóa sống” bảo vệ phân khu trung tâm, trực tiếp bảo vệ căn hầm của tướng De Castres. Tại đây quân Pháp bố trí lực lượng quân tinh nhuệ nhất: Tiểu đoàn 1 Trung đoàn số 4 Bộ binh Ma Rốc, quá trình diễn ra trận đánh, tướng De Castries lần lượt thay thế, bổ xung các đơn vị:Tiểu đoàn 1 bán Lữ đoàn Lê dương số 13, tiểu đoàn dù thuộc địa số 6, tiểu đoàn dù thuộc địa số 1. Ngoài ra địch còn sử dụng 3 tiểu đoàn khác làm lực lượng phản kích và pháo binh ở Mường Thanh, Hồng Cúm, hoả lực bắn thẳng ở cứ điểm A3, C2, không quân, xe tăng sẵn sàng chi viện cho cứ điểm A1. Tại đây  Pháp bố trí thành 3 hệ thống phòng tuyến:
Hệ thống phòng tuyến thứ nhất có “lô cốt cây đa cụt” bảo vệ cho tuyến đường lên đồi và đường viện binh từ Mường Thanh lên A1. Sở dĩ có tên “lô cốt cây đa cụt” là vì trước đây có cây đa rất lớn ở vị trí này, bên cạnh cây đa có đền thờ “Đức Thánh Trần”. Nhưng khi Pháp chiếm Điện Biên Phủ chúng đã cho chặt ngọn đa, phá dỡ đền thờ xây dựng lô cốt, thân cây còn lại giống thằng người nên ta gọi là “lô cốt cây đa cụt” hay “ụ thằng người”. Ở đây, Pháp xây dựng đường hào tiếp viện từ trung tâm Mường Thanh qua cứ điểm A3( vị trí bảo tàng bây giờ) lên đồi A1. Nhiệm vụ tiêu diệt “Ụ thằng người” và cắt đường hào tiếp viện của địch lên A1 được giao cho Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Trong 10 ngày đêm tiểu đoàn vừa chiến đấu, vừa xây dựng trận địa dưới tầm hoả lực của địch. Quân Pháp biết được ý định của chúng ta nên kìm kẹp ta dưới tầng hỏa lực từ 3 phía: A3 bắn lên, A1 bắn xuống, lô cốt cây đa cụt bắn thẳng. Có hôm địch đưa cả xe tăng và bộ binh tiến lên phản kích, tràn qua đội hình của tiểu đoàn, lấp cả đường hào của ta. Xong với quyết tâm tiêu diệt bằng được cứ điểm A1, trận địa tấn công của ta hướng thẳng vào ụ thằng người mỗi lúc một gần chỉ còn chờ thời cơ tiến thẳng vào lô cốt này. 20 giờ 30 phút ngày 06/5/1954 khi khối bộc phá 960kg nổ tung trên đỉnh đồi. Sau ít phút im lặng, quân địch từ trên cứ điểm A1, A3 và từ “ụ thằng người” bắn ra ác liệt, anh em trong tổ bộc phá của tiểu đoàn không tiến lên được. Trung đội trưởng bộc phá và 3 chiến sỹ hy sinh, 9 bộc phá viên bị thương. Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An lệnh cho Tiểu đoàn 251 phải nhanh chóng chiếm ụ thằng người, cắt đường tiếp viện của địch. Đại đội trưởng Lâm Viết Hữu mặc dù đang bị thương vào sống mũi, máu trào qua miệng vẫn lao qua tầm hoả lực của địch, tổ chức lại lực lượng, dùng hoả lực bắn chi viện cho tiểu đội bộc phá của đồng chí Trần Quý. Đến 1h30’ ngày 6/5/1954 tiểu đoàn 251 đã chiếm được “lô cốt cây đa cụt”, tiêu diệt gọn 1 trung đội địch, phá hỏng 3 trung liên, 1 đại liên, chặn đường tiếp viện của quân Pháp lên cứ điểm.
Bên cạnh là hệ thống đường hào tiếp viện của quân Pháp từ Trung tâm Mường Thanh vượt qua cứ điểm A3 (nay là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ) qua cống con đường 41 (tên gọi trước đây của đường 7/5) lên cứ điểm A1. Đường  hào này được tôn tạo nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Giới thiệu với quý khách xung quanh cứ điểm A1 quân Pháp xây dựng hệ thống hàng rào dây thép gai với đủ loại hình dạng: mái nhà, hàng rào cũi lợn, hàng rào lò xo với độ dày từ 50 đến 75m xen kẽ giữa những hàng rào này là các loại mìn.
Con đường lên đồi là đường phản kích của địch bằng xe tăng và các loại xe cơ giới lên xuống đồi. Ban đêm con đường này được khép lại bởi 1 hàng rào chắn cơ động.
Giới thiệu vị trí “Bia mũi tên phản kích”:
Xin giới thiệu với quý đoàn đây là hệ thống phòng tuyến thứ 2 tại cứ điểm này. Tại đây quân Pháp bố trí các loại hỏa lực mạnh: súng cối, DKZ, trọng liên,...nhằm chi viện cho tuyến ngoài và giữ vững hệ thống phòng tuyến thứ 3 trên đỉnh đồi. Một số biểu tượng trên mũi tên này là những phù hiệu lính dù tinh nhuệ nhất của quân đội viễn chinh Pháp, có đơn vị lịch sử  thành lập100 năm và chưa từng biết đến chiến bại. Nhưng đến với Điện Biên Phủ nói chung và A1 nói riêng, những đơn vị con cưng nước Pháp đã bị bại trận tại đây.
 Giới thiệu vị trí chữ “A1”:
Thưa quý khách! Tên A1 là tên quân đội ta đặt cho ngọn đồi này, còn trước đây ngọn đồi này có những tên gọi khác nhau: Thời kỳ xung đột giữa các chúa đất ngọn đồi này có tên là đồi Lạng Chượng- một câu chuyện buồn giữa 1 bên hiếu – 1 bên tình của nàng Ho Quảng và chàng Lạng Chượng. Sau này Pháp chiếm Điện Biên Phủ (1890, 1945) chúng đều chọn ngọn đồi này xây dựng khu đồn trú nên được gọi là đồi Đồn Tây. Năm 1953, một lần nữa Pháp chiếm đóng Điện Biên Phủ chúng đã đặt tên ngọn đồi này là Eliane 2 – tên 1 người đẹp nước Pháp với mục đích động viên binh lính Pháp phải bảo vệ cứ điểm này như bảo vệ người đẹp của chúng.
 Giới thiệu “Xe tăng Bazeille”:
Xin giới thiệu với quý khách! Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thực dân Pháp được Mỹ viện trợ lên đến 73% tổng chi phí chiến tranh ở Đông Dương. Pháp được viện trợ nhiều loại vũ khí lớn v  à hiện đại trong đó có 10 chiếc xe tăng 16- 18 tấn. Được người Pháp vận chuyển lên Điện Biên Phủ bằng cách tháo rời từng bộ phận, đưa lên máy  bay rồi thả xuống lắp rắp tại sân bay Mường Thanh. De Castries đã bố trí một kíp công binh 25 người 3 ngày lắp xong 1 xe tăng. De Castries đã cho 2 chiếc xe tăng lên đồi A1 để phản kích, sau khi chiếc xe tăng này bị bắn cháy thì chiếc xe tăng còn lại đã bỏ chạy về trung tâm Mường Thanh. Đây là xác chiếc xe tăng Bazeille – mang tên làng anh hùng trong cuộc chiến tranh Pháp – Phổ với mục đích động viên lính Pháp phải có tinh thần anh dũng, quả cảm như các anh hùng xứ An- Đéc- Xen đó. Tuy nhiên chiếc xe tăng này đã bị 4 chiến sĩ của chúng ta bắn cháy vào rạng sáng ngày 1/4/1954.
 Giới thiệu về “Ngôi mộ tập thể”:
Bên cạnh là ngôi mộ tập thể của 4 chiến sĩ đã bắn cháy chiếc xe tăng của địch. Khi Pháp cho xe tăng điên cuồng phản kích trên cứ điểm A1, các chiến sĩ đã chiến đấu rất anh dũng, dùng súng Bazoka tiêu diệt chiếc xe tăng này. Chiếc xe tăng bốc cháy quân Pháp mất hẳn hàng rào bảo vệ trên hệ thống phòng tuyến thứ 3, nhưng đồng thời 4 chiến sĩ  đã mãi mãi ra đi. Các anh hy sinh nhưng


“không để dòng tên họ
Không năm sinh, không để dấu thôn làng
Như tất cả cuộn thành tiếng nổ
Ném vào hầm ngầm, ụ súng, xe tăng”
 Sau ngày giải phóng, năm 1994 chúng ta cất mộ đưa về nghĩa trang liệt sĩ A1 thì phát hiện có 4 bộ hài cốt bên cạnh chiếc xe tăng nên đã quyết định không đưa về nghĩa trang nữa mà đành để 4 bộ hài cốt vào 1 ngôi mộ lớn và được xây như hiện nay. Ngôi mộ tập thể này cùng các nghĩa trang liệt sĩ ở Điện Biên Phủ đều có điểm chung đó là chưa thể khắc trên bia mộ tên họ các anh vì bị “lạc” mất tên trong quá trình chiến đấu và hy sinh mà trước đây chúng ta vẫn thường gọi là những ngôi mộ liệt sĩ vô danh. Nhưng “xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh anh tròn ngày chẵn tháng
Cha đặt tên anh chọn tuổi, chọn mùa
Anh nhận ra lưỡi cày, lưỡi hái
Vẹt mòn trong nắng trong mưa!...
…Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc
Tên làng, tên đất theo anh.
Bình yên sau cuộc chiến tranh
Anh trở về không tên, không tuổi
Trắng hàng bia những ngôi sao không nói
Rưng rưng cỏ mọc dưới chân.”
Đó cũng chính là điều trăn trở của rất nhiều thế hệ, đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mỗi lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Điện Biên Người thường đứng lặng trước những ngôi mộ trắng bia, đôi mắt Người lại đỏ hoe vì thương đồng đội, chiến sĩ còn nằm lại dưới lòng đất Mẹ khi tuổi đời còn rất trẻ. Chúng ta hãy thắp nén hương để tưởng nhớ đến các anh, cầu mong cho linh hồn các chiến sĩ được yên giấc ngàn thu cùng non sông đất nước.
Giới thiệu “Căn hầm cố thủ:
 Căn hầm này là một hầm ngầm đào sâu vào đồi, vốn là hầm rượu vang của toà công sứ Pháp trước năm 1945. Có tài liệu viết căn hầm này là hầm Bưu điện của Pháp thời còn Châu Điện Biên. Ngày 20/11/1953 quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ đã cho củng cố căn hầm ngầm thành một cứ điểm quân sự. Diện tích hầm khoảng 18m2 và được chia thành 2 ngăn, trong đó một ngăn là nơi làm việc của bộ phận thông tin điện đài. Hầm được làm bằng những vật liệu vô cùng chắc chắn bốn bên là tường gạch kiên cố, mái hầm được đổ những lớp bê tông dày, khi cần thiết có thể dùng làm nơi ẩn nấp cho hàng chục người. Sở dĩ chiến sự tại đồi A1 kéo dài, ta tổn thất khá nhiều lực lượng là do địch dựa vào hầm ngầm này và hệ thống hỏa lực bảo vệ hầm ngăn cản các bước tiến công của các chiến sĩ ta. Hiện nay, hầm được tôn tạo lại bằng những vật liệu bền vững hơn và trong hầm được trưng bày một số Manơcanh về các sĩ quan chỉ huy, các quân tư trang của quân Pháp.
Giới thiệu “Đường hào có nắp của quân Pháp”:
 Đường hào dài 92m (gần cửa hầm cố thủ). Đường hào này có 3 cửa: Một cửa thông với đường hào tiếp viện lên đồi, một cửa thông với hầm ngầm cố thủ, một cửa thông với đường hào ra hầm đại liên. Khi khôi phục lại đường hào này (năm 2004) chúng ta còn thấy nhiều cây gỗ chống và lát hầm trước đây cùng nhiều thùng đạn, dây điện, pin, nhiều dụng cụ sinh hoạt của quân Pháp.
(Đưa khách xuống đường hào có nắp, đi lên trên đỉnh căn hầm cố thủ)
Đoàn chúng ta đang đứng trên vị trí cao nhất của ngọn đồi A1. Đứng trên cứ điểm này quân Pháp có thể bao quát được các cứ điểm trong Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được chia làm 3 phân khu: Phân khu Bắc gồm cứ điểm Độc Lập và Bản Kéo. Phân khu nam là phân khu Hồng Cúm cách trung tâm Điện Biên Phủ khoảng  6km, ở đây có 1 sân bay dự bị  đó là sân bay Hồng Cúm. Phân khu trung tâm bao gồm các cứ điểm nằm trên 5 ngọn đồi phía đông: A1, C1, C2, D1, E1 tạo thành “bức tường thành vững chắc” che chở cho phân khu trung tâm, ngoài ra còn có các cứ điểm nằm xung quanh căn hầm của tướng De Castries, xung quanh sân bay Mường Thanh.  Mọi con đường vào Điện Biên Phủ lúc bấy giờ đều được bịt kín bởi lưới lửa và thép gai. Tại cứ điểm A1, ngoài 3 hệ thống phòng tuyến, xung quanh đồi Pháp còn cho xây dựng những hệ thống giao thông hào phức tạp nối liền giữa các tuyến và lô cốt xung quanh, với hệ thống công sự chìm nổi như vậy quân Pháp có thể tấn công và rút lui bất cứ lúc nào. Ngoài ra bên sườn đồi, Pháp còn đặt những thùng đựng Etxăng khô 40 lít – 1 loại NaPan cô đặc, tự bùng cháy bằng điện có thể thiêu đốt đối phương ngay từ ngoài tuyến tiền duyên. Về phía ta, nhận định đồi A1 ở vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất trong dãy đồi phía đông. Nếu như ta tiêu diệt được cứ điểm này thì phân khu trung tâm không còn đủ sức chống đỡ và Tập đoàn cứ điểm cũng bị uy hiếp nghiêm trọng. Vì vậy quân Pháp quyết giữ bằng mọi giá thì ta quyết giành giật tới cùng. Tại cứ điểm A1, hai trung đoàn của ta là trung đoàn 102 của đại đoàn 308 do trung đoàn trưởng Nguyễn Hùng Sinh và trung đoàn 174 của đại đoàn 316  do trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An chỉ huy đã phối hợp và thay nhau chiến đấu trên đồi A1 trong suốt 39 ngày đêm. Trải qua 39 ngày đêm chiến đấu ta đã tổ chức 4 đợt tấn công, 1 đợt phòng ngự và đánh lui 30 đợt phản kích của địch.
Đợt tấn công thứ 1 của chúng ta diễn ra vào 17h chiều ngày 30/3/1954.
Sau khi các cỡ pháo của ta dồn dập nã vào các cứ điểm của dãy đồi phía đông trong đó có ngọn đồi A1. Trung đoàn 174 chia làm 2 mũi tấn công bắt đầu đột kích từ đồi Cháy và đồi F vào cứ điểm. Đồi F thấp hơn đồi A1 nên chịu hỏa lực bắn thẳng của địch từ trên đỉnh đồi xuống nên ngọn đồi này còn có tên gọi khác là đồi “tử địa”. Từ 2 trận địa này chúng ta tấn công sang đồi A1. Đến gần nửa đêm ta đã chiếm được 2/3 ngọn đồi. Sáng ngày 31/3/1954 Pháp cho quân dù, xe tăng, pháo binh, không quân địch nhiều lần phản kích, bắn trả về phía ta, chúng ta buộc phải lui 20m xuống sườn thấp giữ phần cứ điểm đã chiếm được. Nhận thấy Trung đoàn 174 không còn đủ sức tiến công tiếp tục lên A1. Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh Đại đoàn 316 tạm ngừng cuộc tiến công và lệnh cho trung đoàn 174 bàn giao trận địa lại cho Trung đoàn 102 Đại đoàn 308. Trung đoàn 174 phải lui về tuyến hào ngay phía trên cửa mở tổ chức phòng ngự, giữ 1/3 cứ điểm. Ngày 31/3, Đại đội 924, Tiểu đoàn 255 ba lần đánh phản kích, giữ vững trận địa.
Đợt tấn công thứ 2:  Đêm 31/3/1954.
Trung đoàn 102 Đại đoàn 308 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Hùng Sinh chỉ huy được lệnh vào chiến đấu, các phân đội còn lại của Trung đoàn 174 nằm trong đội hình Trung đoàn 102, lúc này địch cũng đã đưa tiểu đoàn dù số 6 lên thay thế Tiểu đoàn 1 Trung đoàn bộ binh Ma Rốc bị đánh thiệt hại trong đêm hôm trước. 24 giờ ngày 31/3, Trung đoàn 102 đánh tới hầm cố thủ, điểm hoả bộc phá, diệt 20 tên thu nhiều trung liên, một máy vô tuyến điện. 2 giờ sáng ngày 01/4, Pháp điều hơn 100 quân từ Mường Thanh tiến lên phản kích, pháo của chúng bắn trùm lên mặt đồi gây sát thương quân ta, đẩy quân ta về gần cửa mở. Cuộc chiến đấu ở đồi A1 vẫn diễn ra rất ác liệt, nhiều trận xung phong và phản xung phong diễn ra liên tiếp. Đến 5 giờ cùng ngày, xe tăng, bộ binh của quân Pháp lại tiếp tục oanh tạc lên mặt đồi. Cuộc chiến đấu giằng co ác liệt, cuối cùng mỗi bên chiếm nửa điểm cao, ta chiếm sườn đông, quân Pháp chiếm sườn Tây.
Đợt tấn công thứ 3: Đêm 1/4/1954
Trưa ngày 01/4 Trung đoàn trưởng Trung đoàn 102 Nguyễn Hùng Sinh vào cửa mở trực tiếp chỉ huy và cùng với Đại đội trưởng Trọng Thành có lúc chiến đấu như một chiến sĩ, sử dụng nhiều loại vũ khí tiêu diệt nhiều quân Pháp, anh bị thương nhưng vẫn giữ vững trận địa. Cuộc chiến đấu của quân ta rất dũng cảm và quyết liệt. Có thể nói trong lịch sử chiến đấu của đại đoàn 308 đến lúc đó chưa có một trận nào đánh đồn mà tình hình diễn biến quyết liệt như vậy. Nhờ có tinh thần chiến đấu dũng cảm của cán bộ chiến sĩ và trung đoàn trưởng nên đã đánh tan được các đợt xung phong của địch và khôi phục được trận địa của ta đêm 31/3. Tại cứ điểm A1 lúc này, địch đã phải rút hết quân tại các cứ điểm, dồn về cứu viện cho A1 bằng mọi giá. Các chiến sĩ của ta đã giành giật với địch từng tấc đất. Sau 3 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, ta còn nhiều khó khăn chưa giải quyết dứt điểm, Lực lượng ta mỏng dần. Mặc dù Trung đoàn 102 cố gắng hết sức suốt hai ngày đêm, tình hình vẫn không thay đổi. Địch vẫn chiếm 2/3 cứ điểm. Cho đến lúc được lệnh của Bộ Chỉ huy mặt trận bàn giao nhiệm vụ lại cho Đại đoàn 316, Trung đoàn 102 chỉ còn lưa thưa vài đại đội không nguyên vẹn. Con số thương vong của Trung đoàn là 840 trong quân số hơn 1000 cán bộ, chiến sỹ toàn Trung đoàn. Hầu hết chiến sỹ được rèn luyện, bồi dưỡng từ bao năm trước, có chất lượng chiến đấu tốt đã bị thương. Một số không ít đã vĩnh viễn ra đi. Trong khi đó nhiệm vụ trước mắt của chiến dịch còn rất nặng nề. Trung đoàn 102 được lệnh rút quân trao lại trận địa cho Trung đoàn 174.
Đợt phòng ngự giữ phần cứ điểm:
Sau các đợt tấn công liên tiếp ta bước vào đợt phòng ngự với nhiệm vụ đánh địch phản kích, giữ vững cứ điểm đã chiếm được. Tiểu đoàn 255 của Trung đoàn 174 được giao nhiệm vụ giữ vững trận địa trên đồi A1. Cuộc chiến đấu giằng co với quân Pháp rất ác liệt bằng các trận chống phản kích, tập kích, bắn tỉa, đoạt dù… tiêu hao sinh lực địch, ta giành giật với địch từng tấc đất, từng mét chiến hào, giữ vững non nửa quả đồi.
Trong đợt phòng ngự chúng ta đã họp rút kinh nghiệm trận đánh vừa qua và nêu cách đánh sắp tới. Khó khăn lớn nhất của ta đồng thời cũng là điểm mấu chốt của cứ điểm là một hầm ngầm bí mật, làm tốn khá nhiều sức lực và xương máu của bộ đội ta. Việc xác định vị trí hầm và việc áp sát tiêu diệt là khó khả thi trong điều kiện địch đã tập trung binh, hỏa lực mạnh nhất về đây hòng chiếm lại những vị trí đã mất. Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã có những tính toán kiên quyết để tiêu diệt bằng được căn hầm này. Một kế hoạch “Lấy hầm trị hầm” được vạch ra, có tính chất quyết định tiêu diệt cứ điểm này.
Để tiêu diệt hầm chỉ huy cố thủ cứ điểm A1 ta bắt đầu triển khai việc đào đường hầm để đưa thuốc nổ vào đặt dưới chân hầm ngầm của địch, từ ngày 20/4 đến 04/5 năm 1954 đội công binh M83 được Tiểu đoàn 255 bảo vệ và hỗ trợ đã đào một đường hầm ngầm dưới đất dài 33m và một ngách  ở cuối đường hầm mỗi chiều 1,5m để chứa thuốc nổ. Đất đồi A1 rắn như đá non, dưới sự canh phòng, giám sát cẩn mật của địch nên việc đào hầm gặp rất nhiều khó khăn nhưng với tinh thần chiến đấu rất cao, anh em không quản vất vả, hy sinh cùng Tiểu đội trưởng Lưu Viết Thoảng phát huy sáng kiến trong quá trình đào đường hầm hoàn thành nhiệm vụ.
Đợt tấn công thứ 4: tối ngày 06/5/1954 đến sáng ngày 07/5/1954.
20 giờ 30 phút ngày 06/5/1954 đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung cùng 2 đồng chí Nguyễn Văn Bạch và Nguyễn Điệt điểm hoả khối bộc phá. Một ánh chớp loé sáng, kèm theo tiếng nổ trầm, đục rung chuyển ngọn đồi, một cột khói bốc cao, sức nổ đã phá huỷ một số lô cốt, chiến hào, diệt một phần đại đội dù số 2 của địch, làm địch choáng váng. Chớp thời cơ quân ta bỏ qua các ụ súng khác, đánh thẳng vào Sở chỉ huy địch trên đỉnh đồi. Tại đây phần lớn các chiến sỹ trong đội xung kích thứ nhất cũng lần lượt hy sinh. Tiểu đoàn phó Lê Sơn xốc lại đội hình, dồn lên tiến công chiếm Sở chỉ huy địch vào khoảng 22 giờ đêm ngày 06/5/1954. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 Nguyễn Hữu An di chuyển Sở chỉ huy vào hầm kiên cố của cứ điểm, trực tiếp chỉ huy chiến đấu.
Ở phía Tây Nam, Tiểu đoàn  251 tiến đánh lô cốt “cây đa cụt” vào 20 giờ 30 phút. Hỏa lực địch bố trí bí mật bên ngoài, gây sát thương quân ta; tiểu đội bộc phá xung phong tiêu diệt ụ súng máy. Ta đánh chiếm được lô cốt “cây đa cụt” lúc nửa đêm diệt tại chỗ hơn hai mươi tên địch. Đại đội 673 chiếm đường hào bí mật của địch, đẩy lùi gần 100 tên lính dù từ Mường Thanh đến, chặn đứng quân tiếp viện cho A1. Đại đội 674 do Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 251 trực tiếp chỉ huy diệt các lô cốt còn lại ở phía Tây rồi chia làm 2 mũi cùng đánh vào vùng sau lưng địch. Trên đỉnh đồi, khi hầm chỉ huy thất thủ địch rút chạy về phía trận địa súng cối, cách hầm chỉ huy 20m về phía Tây kháng cự quyết liệt. Đại đội 316 được lệnh đánh vào hướng Đông Nam. Đại đội dù số 2 của quân Pháp kháng cự quyết liệt. Đại đội trưởng 316 Trương Duyên, cùng Đại đội phó và 1/3 đại đội đã hy sinh. Chính trị viên đại đội Hồng Giang trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Khoảng 1 giờ 30 phút ngày 07/5 Đại đội 316 tiêu diệt lực lượng còn lại của Đại đội dù số 2. Tổ xung kích của Tiểu đội phó Trần Duy bắt viên Đại uý chỉ huy Ét-nơ. Đại đội 315 Tiểu đoàn 249 do Đại đội trưởng Nguyễn Hải Bằng chỉ huy được lệnh vào chiến đấu theo hướng Tây Bắc cứ điểm. Tiểu đoàn 251 phối hợp tiến công từ phía Tây Nam. Các đơn vị trên, cùng khép chặt 2 gọng kìm Đông và Tây Nam. Khoảng 3 giờ sáng ngày 07/5, Đại đội 315 đã tiêu diệt ổ đề kháng cuối cùng, bắt toàn bộ lực lượng còn lại của tiểu đoàn dù thuộc địa số 1, trong đó có viên đại uý Pu - giê chỉ huy cứ điểm và 34 lính dù.
Trận chiến đấu tại cứ điểm A1 kết thúc lúc 4 giờ 30 phút ngày 07/5/1954. Sau 8 tiếng đồng hồ của đợt tiến công thứ 4, Trung đoàn 174 đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm A1. Qua 39 ngày đêm ta đã loại 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn cơ động của địch, diệt 825 tên địch.
A1- “chìa khóa” của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã hoàn toàn bị phá vỡ. giải phóng được cứ điểm này tạo bàn đạp cho chúng ta tấn công sang hầm De Casteries bắt sống Y cùng toàn bộ bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Bây giờ mời đoàn chúng ta xuống tham quan thực tế đường hầm đặt bộc phá và hố nổ do khối bộc phá tạo thành.
Giới thiệu vị trí “Bia giành giật”:
Xin giới thiệu với quý khách đây là cửa và đường hầm ngày đó được đào để đặt khối bộc phá 960 kg do 1 đội đặc biệt gồm 25 cán bộ dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung  thực hiện, có sự hỗ trợ, bảo vệ của Tiểu đoàn 255. Có thể nói việc đào đường hầm xuyên dưới đất rắn vào tận hang ổ địch là một kỳ công, các chiến sĩ ta đã đổ biết bao xương máu vì đạn địch. Ngày 20/4/1954 Đội công binh M83 được lệnh đào hầm. Đêm đầu tiên đội chọn 3 đồng chí khoẻ nhất là Lưu Viết Thoảng, Nguyễn Bạch, Nguyên Văn Khối từ 1 vách hào cụt lên khoét cửa hầm. Khi khoét vào mỗi bề được 90cm thì đồng chí Trung đội trưởng bộ binh đứng yểm trợ bị một viên đạn trúng ngực đã hy sinh anh dũng. Đêm thứ 2, 12 chiến sĩ chia làm 4 tổ thay phiên nhau mở tiếp đường hầm dưới các làn đạn bắn và lựu đạn của địch đường hầm chỉ mở sâu thêm được 80cm. Những ngày sau năng xuất có khá hơn nhưng càng vào sâu càng thiếu dưỡng khí nên chỉ bố trí một người đào, còn một người bên cạnh ra sức quạt, ở phía ngoài 2 đến 3 người nối theo nhau dùng quạt nan quạt không khí vào. Mỗi tổ chỉ đào được nửa tiếng đã phải thay ca. Càng vào sâu đất moi ra càng nhiều, đổ ra ngoài sợ bị lộ nên đã phải dùng túi dù đựng đất để chuyển sang bên đồi Cháy hoặc đắp thêm vào các bờ công sự để tránh bị lộ; càng vào sâu tim hầm càng không thẳng, bộ đội ta đã có sáng kiến dùng chiếc đèn Sô-lếch xách tay đặt chuẩn ở cửa hầm để chiếu sáng và chỉnh hướng. Trong khi đào hầm các chiến sĩ đã phát hiện có tiếng động như tiếng giày của địch đi phía trên hầm. Để đề phòng địch phát hiện phá đường hầm, ta lại có sáng kiến đào thêm một ngách râu tôm sang hướng khác và cử một đồng chí chuyên ngồi gõ xẻng tạo tiếng động, đánh lạc hướng địch.
Đêm 04/5/1954, sau 15 ngày đêm gian khổ các chiến sĩ đã đào được 33m hầm ngầm và được lệnh dừng lại. Tại cuối đường hầm ta đã đào thêm một đường ngách hình chuôi vồ để đặt 1 khối thuốc nổ trọng lượng 960 kg. Khối thuốc nổ ấy ta chỉ được cấp 1 phần (khoảng 200kg), số còn lại các chiến sĩ đã tháo gỡ từ những quả bom chưa nổ của địch từ các nơi khác chuyển về, 1 công việc hết sức nguy hiểm. Khi mọi việc đã chuẩn bị xong, đúng 20 giờ 30 phút ngày 06/5/1954 khối bộc phá đã được giật nổ, quân ta từ các hướng tiến lên tiêu diệt toàn bộ cứ điểm A1.
 Căn hầm chỉ huy của Đại đội trưởng Đại đội 674 Lâm Viết Hữu nằm phía Tây Nam đồi A1, nơi đồng chí đã chỉ huy đơn vị chiến đấu và tiêu diệt chiếc xe tăng mà quý khách vừa tham quan.
Bức phù điêu ở hướng Đông là khu vực giành giật giữa ta và địch suốt từ ngày 03/4/1954 đến ngày 06/5/1954.
Trước mắt chúng ta là 1 trong 37 lô cốt của địch đã được khôi phục lại. Kết cấu đều bằng gỗ, đất và bao cát. Dọc theo đường hào có các hố bắn, hàm ếch và các hốc để đựng đạn
Phía Đông ngọn đồi là căn hầm của đồng chí Trung đoàn trưởng Trung đoàn 102 Đại đoàn 308 Nguyễn Hùng Sinh, đơn vị đã thay Trung đoàn 174 Đại đoàn 316 của đồng chí Nguyễn Hữu An tiến công lên cứ điểm A1 lần thứ 2 vào ngày 02/4/1954. Tại đây Trung đoàn trưởng Nguyễn Hùng Sinh vừa chỉ huy vừa chiến đấu như một chiến sĩ. Đã có lúc trận đánh diễn ra ác liệt đồng chí Nguyễn Hùng Sinh bị thương và mất liên lạc với Ban chỉ huy Đại đoàn 308. Chính đồng chí Chu Văn Mùi đã tìm thấy đồng chí Nguyễn Hùng Sinh đang bị thương trong căn hầm này. Đồng chí Chu Văn Mùi cũng là người xác định vị trí, kích thước và kể lại bối cảnh khi gặp lại đồng chí Nguyễn Hùng Sinh để phục dựng và trưng bày lại căn hầm này.
Giới thiệu “Đường hào tấn công của quân đội ta từ Đồi Cháy sang A1”:
Di tích A1, sau ngày giải phóng đã được nhiều lần tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp. Được sự quan tâm của Đảng và nhà nước điểm di tích này cùng với các điểm di tích khác trong Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ đã được đầu tư bảo tồn tôn tạo. Tại di tích này chúng ta đã tu bổ khôi phục lại một số hạng mục tiêu biểu gồm: Hầm chỉ huy và hầm đại liên trên đỉnh đồi; lô cốt cây đa cụt và 10 lô cốt khác trong tổng số 37 lô cốt của địch; 2 hầm chỉ huy của ta; hố bộc phá, đường hầm đặt khối bộc phá; 1.030m đường hào lộ thiên và 92m đường hào có nắp trong tổng số gần 4.000m đường hào của địch; 52m đường hào tiến công chiến đấu của ta; 7.155m2 hàng rào và 400m đường phản kích của địch. Tại một số hầm của ta và của địch có trưng bày một số hiện vật, Ma nơ canh lính nhằm phần nào tái hiện một cách sinh động trận chiến lịch sử tại đây.
Trong đợt trùng tu, tôn tạo năm 2004 đã tìm thấy hài cốt của 33 chiến sĩ trong đó có nhiều chiến sĩ hy sinh trong tư thế chiến đấu, tay ôm súng, xung quanh còn hàng chục quả lựu đạn. Có những kỷ vật nằm cùng các chiến sỹ trong lòng đất như gương, lược, … rất tiếc do hoàn cảnh lúc bấy giờ nên ta không biết tên tuổi, quê hương đơn vị của các anh. Đảng bộ và chính quyền địa phương đã làm lễ truy điệu trọng thể và đưa hài cốt các anh về nơi an nghỉ vĩnh hằng cùng đồng đội tại nghĩa trang Độc Lập.
Hơn 2000 cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hi sinh. Cuối cùng quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1 vào 4h sáng ngày 7/5/1954, mở toang cánh cửa thép tiến thẳng vào trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Trận thắng A1 có một ý nghĩa rất quan trọng, đã mở ra cho toàn mặt trận nhanh chóng chuyển sang tổng công kích và đã giành toàn thắng chỉ sau đó 13 giờ đồng hồ.
Ngày nay đến với cứ điểm A1, qua những chứng tích lịch sử còn lại của chiến tranh như: đường hầm, chiếc xe tăng, hố bộc phá… chúng ta cũng phần nào thấu hiểu được sự vất vả, gian khổ cũng như tinh thần anh dũng, quả cảm của các chiến sỹ để có được sự độc lập, tự do ngày hôm nay./.
 

Tác giả bài viết: Hoàng Thị Thanh Ngần

Nguồn tin: Giáo viên dạy Tin học - Tổ toán - Lý - Tin

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 4.4 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

2173/SGDĐT-TCCB

Thông báo Vv tuyển dụng viên chức khối các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo năm học 2017-2018.(Yêu cầu các đơn vị dán niêm yết công khai)

Lượt xem:312 | lượt tải:58

2172/SGDĐT-GDTX - GDCN

Mở lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho viên chức dạy trong cơ sở giáo dục công lập.

Lượt xem:253 | lượt tải:65

2165/SGDĐT-GDTRH

Triển khai cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc "Tự hào Việt Nam" lần thứ II, năm 2017.

Lượt xem:283 | lượt tải:58
Tìm kiếm tài liệu

Thông tin thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay778
  • Tháng hiện tại19,642
  • Tổng lượt truy cập1,385,014
TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ TRUNG HỌC PHỔ THÔNG HUYỆN ĐIỆN BIÊN
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Địa chỉ: Tổ 16, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên
email: vanbancanbiet@gmail.com
Điện thoại liên hệ: 0215 3 925 292
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây