Thực hiện kế hoạch số 168/KH-PTDTNTTHPTHĐB về kế hoạch tư vấn tâm lý học đường năm học 2022 - 2023, tổ tư vấn tâm lý kết hợp với Đoàn thanh niên và các giáo viên bộ môn đã tổ chức buổi sinh hoạt tư vấn tâm lý với chuyên đề
“Nhớ ơn thầy cô”.
Buổi sinh hoạt giúp các em học sinh được tìm hiểu về lịch sử ra đời của ngày nhà giáo Việt Nam 20 -11.
Ngày Nhà giáo Việt Nam khởi đầu bằng một sự kiện lịch sử, đó là vào tháng 8 năm 1957, Hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại Vacsava (Ba Lan) đã thông qua bản “Hiến chương các nhà giáo” và quyết định lấy ngày 20 tháng 11 hàng năm là ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo”.
Nghị quyết của hội nghị được phổ biến nhanh chóng đến tất cả các trường học, các cơ quan quản lý giáo dục miền Bắc và đồng bào, giáo giới, học sinh miền Nam. Ngày 20/11/1958, ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo lần đầu tiên được tổ chức tại miền Bắc nước ta. Đến nay, ngày 20/11 dần khắc sâu vào tình cảm, trí nhớ của mọi người, thành hành động chủ động, tự giác của mọi tầng lớp nhân dân và được tổ chức đều đặn hàng năm, mặc dù từ lâu trên thế giới không tổ chức ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo nữa.
Sau khi ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, được sự cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, các bậc cha mẹ học sinh, ngày 20/11 hàng năm đã được tiến hành trên cả nước. Ngày 28/09/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định số 167-HĐBT lấy ngày 20/11 hàng năm làm Ngày Nhà giáo Việt Nam dựa trên cơ sở thực tế của những ngày 20/11 trong những năm học vừa qua. Quyết định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về vị trí vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc.
Trong suốt buổi chuyên đề, với các video, các vở nhạc kịch do các bạn học sinh lớp 11C biểu diễn về các câu chuyện về tình thầy trò, về truyền thống tôn sư trọng đạo, về lòng biết ơn thầy cô, đã chạm đến những góc sâu nhất trong cảm xúc của các em học sinh - lứa tuổi chập chững vào đời thường hay mắc phải nhiều sai lầm. Các nội dung hoạt động nhắc đến những câu chuyện thường ngày rất đỗi giản dị nhưng nhiều bạn trẻ thường xuyên xem nhẹ và bỏ qua. Đó là hành động nói lời cảm ơn hay xin lỗi với những người thầy giáo, cô giáo, những người luôn quan tâm, lo lắng dìu dắt các em thành người, là giọt nước mắt khóc vì gia đình, là sự vô tâm của các em đối với sự vất vả của thầy cô. Buổi hoạt động chuyên đề đã giúp các em học sinh biết được ý nghĩa, giá trị của lòng biết ơn, biết hành động tích cực để thể hiện lòng biết ơn của mình đối với bố mẹ, thầy cô, với tất cả những người đã và đang cho các em một cuộc sống tốt đẹp. Có thể nói, cùng với tri thức, bồi dưỡng lòng biết ơn chính là hành trang để các em học sinh tu dưỡng, rèn luyện, vững bước trưởng thành, để mai này các em sẽ trở thành những công dân có nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt, có ích cho xã hội.
Bên cạnh hoạt động giáo dục lòng biết ơn thầy cô cho các em học sinh, Tổ tư vấn còn kết hợp với các giáo viên bộ môn tổ chức giải đáp, tư vấn, tham vấn các vấn đề khó khăn vướng mắc nảy sinh trong quá trình học tập. Tại đây, các em được gặp gỡ, trao đổi, giãi bày một cách cởi mở những vấn đề khó khăn mà các em gặp phải trong học tập. Các em nhận được những lời tư vấn bổ ích giúp cho học sinh tháo gỡ được khó khăn, trở ngại của bản thân trong quá trình học bộ môn Hoá học và Ngoại ngữ. Từ đó giúp các em có những phương pháp học tập hiệu quả hơn, yêu thích môn học hơn và tiến tới đạt được những bông hoa điểm mười tặng tới các thầy cô nhân ngày kỉ niệm ngày Nhà giáo Viên Nam 20 - 11.
Một số hình ảnh của buổi sinh hoạt tư vấn tâm lý học đường
Chiếu phim về các câu chuyện Tôn sư trọng đạo, lòng biết ơn thầy cô
Lớp 11C biểu diễn vở nhạc kịch “Nhớ ơn cô”
Các cô giáo bộ môn Ngoại ngữ, Hoá học tư vấn các vấn đề khó khăn trong học tập cho các em học sinh
Sự tham gia tích cực của học sinh toàn trường
Nguồn: Trần Thị Phương Thanh
Tổ tư vấn tâm lý học đường