NỘI TRÚ HUYỆN – NGÔI NHÀ THỨ HAI CỦA CHÚNG EM!

image002
Nhãn
Có một mái nhà mang tên "Nội trú huyện", đó là tên gọi tắt mà chúng tôi hay dùng để gọi tên trường PT DTNT THPT huyện Điện Biên thân yêu! Đối với chúng tôi nơi đây chính là cái nôi của tri thức và tình người. Mái nhà ấy như loài hoa xương rồng lửa đỏ rực rỡ giữa sa mạc, từ những khó khăn thiếu thốn còn hiện hữu lại nở rộ lên đoá hoa chứa đầy niềm vui, hạnh phúc, và mang theo những kỉ niệm đẹp vô giá của tuổi học trò. Để đến tận bây giờ mỗi khi nhớ về trường, trong lòng tôi lại trào dâng lên những cảm xúc thật khó tả!

          Tháng 11, tháng của mưa phùn, của gió đông! Cái lạnh ấy khiên tôi nhớ về mùa đông của 7 năm về trước khi còn ở Nội trú huyện... Năm ấy, chính là năm đầu tiên tôi được học tại trường, mùa đông đầu tiên xa nhà của một cô gái 15 tuổi. Cái lạnh của thời tiết, cái lạnh trong lòng khi nhớ về mẹ cha, cái lạnh khi một mình sống giữa những người xa lạ trong một môi trường mới đã vô tình làm tôi trở nên tự đóng băng chính mình. Không phải chỉ mỗi tôi mà gần như ai mới bước chân vào ngôi nhà chung này cũng đều mang tâm trạng như vậy. Nhưng rồi từ sự cảm thông trong những đêm chúng tôi kể cho nhau nghe về hoàn cảnh gia đình mình, từ những chia sẻ trân thành trong cuộc sống thường nhật mà chúng tôi đã phá bỏ được bức tường tưởng như băng ấy.
          Ở cái tuổi mười năm, mười sáu - cái tuổi ẩm ương, mong manh dễ vỡ chúng tôi buộc phải học cách tự lập và trưởng thành hơn rất nhiều. Khi âý, sau những giờ học chúng tôi phải tăng gia sản xuất: nuôi lợn, trồng rau. Rồi những ngày cuối tuần lớp còn đăng kí đi gặt lúa thuê để gây dựng quỹ. Có thể nhiều người sẽ thấy rằng chúng tôi vất vả, quá sức nhưng thực sự tôi thấy đó là sự rèn luyện thiết thực cho bản thân mỗi người. Nhớ lại ngày đó, điều kiện nhà trường còn khó khăn, cơ sở vật chất nhiều thiếu thốn. Chỉ có con gái là có nhà tắm còn con trai thì tắm luôn ở giếng. Số lượng nữ đông mà nhà tắm lại có ít. Thế nên để kịp giờ lên lớp buổi tối chúng tôi phải tắm đôi, tắm ba trong cái nhà tắm nhỏ xíu! Cứ đến cuối chiều là đứa nào đứa đấy tay xách 2 xô nước to đùng đợi trước cửa nhà tắm như là đang chuẩn bị lễ hội té nước vậy. Còn giếng phân cho các bạn nam lại nằm ngay trước khu nhà ở, mà buổi chiều các bạn nữ hay đứng ra hành lang cho thoáng vô tình lại làm lũ con trai ngại không dám tắm, đợi trời tối mới dám bén mảng ra giếng. Nên đám con trai hay bị thầy cô nhắc nhở về việc lên lớp muộn. Thật buồn cười và thật ngây ngô cho cái tuổi mới lớn!
image003
(Nội trú cũng có Hội trại - 12C - 2014)
 
          Chuyện sinh hoạt đã vậy, chuyện ăn uống của học sinh nội trú chúng tôi cũng thú vị không kém. Vì chúng tôi ăn tối khá sớm, buổi tối lên lớp tự học. Thế nên, lúc tan học đi qua căng tin hương mỳ tôm bay ra làm chúng tôi khó có thể từ chối! Đến tận bây giờ chúng tôi vẫn hay nói vui với nhau rằng, bát my tôm ở nội trú quý như bát phở bò ở ngoài phố! Bát mỳ cũng chỉ có năm nghìn đồng thôi, nhưng ngày đấy, năm nghìn với những đứa con dân tộc thiểu số vùng cao như chúng tôi thì là cả sự đắn đo tính toán. Bởi năm nghìn kia có thể mua được gói dầu gội hay gói sữa tắm để dùng hàng ngày, thế nên thi thoảng chúng tôi mới dám ăn thêm bát mỳ. Có lẽ cũng vì vậy mà mỗi lần chúng tôi xuống nhà ăn nhận cặp lồng của mình chúng tôi đều ăn một cách ngon lành dù thức ăn cũng chỉ đôi con cá khô, vài ba gắp rau muống. Vậy mà bữa cơm đạm bạc trong những ngày tháng thiếu thốn ấy lại là hương vị mà tôi không tìm được ở bất cứ nơi đâu trong cuộc sống này. Bữa cơm ấy, dù có thật nhiều tiền thì chúng tôi cũng không thể mua được nữa, vì nó chứa đựng tình cảm của cô chú nhà bếp dành cho chúng tôi, chứa đựng nụ cười tươi rói của những tốp học sinh vừa tan ca đang đói bụng, chứa đựng ở đó những câu chuyện vu vơ mà đám học sinh hay kể với nhau trong bữa... Tất cả làm nên một bữa ăn thật đặc biệt mang thương hiệu nội trú!
          Chúng tôi đã cùng nhau vẽ tuổi học trò của mình vào bức tranh của mái nhà chung thân yêu này. Bức tranh kí ức ấy sẽ không thể trọn vẹn khi không nhắc đến những người đã hi sinh thầm lặng cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người - đó chính là thầy cô, là người cha người mẹ thứ hai của chúng tôi. Sống trong một môi trường tập thể, những lần tranh cãi nảy lửa trong phòng mười đứa con gái ai là người phân giải cho chúng tôi? Là thầy cô! Dạy chúng tôi những bài học trong cuộc sống giúp chúng tôi hiểu đạo lí làm người, là thầy cô! Lúc chúng tôi ốm đau, bệnh tật, người quan tâm chăm sóc cũng là thầy cô. Như vậy chúng tồi làm sao có thể không nhớ về Người! Thầy cô không chỉ dạy chúng tôi kiến thức sách vở, cho chũng tôi sự tự tin trong cuộc sống mà còn trao cho chúng tôi những tình cảm thật thiêng liêng, Người luôn nhận phần thiệt thòi về mình. Thầy cô dành gần như hết quỹ thời gian của mình cho chúng tôi. Sáng dạy trên lớp, chiều phụ đạo miễn phí, tối lại đi trực. Vất vả là vậy nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy Người kêu than. Những ngày lễ tết, do điều kiện nên học sinh nội trú chúng tôi không có món quà giá trị tặng thầy cô, mà chỉ có lời chúc trân thành gửi tới Người mà thôi. Thậm trí nghỉ tết thầy cô còn mua bánh kẹo chia cho chúng tôi mang về nhà làm quà cho gia đình. Chúng tôi cảm kích biết bao! Ôi, nhớ sao những tháng năm nội trú!
image005
(12C bên các thầy chủ nhiệm)

Viết đến đây tôi chợt nhớ tới những câu thơ trong bài "Vội vàng" của Xuân Diệu:
"Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời".
          Ông hoàng thơ tình nói thật đúng! Tuổi trẻ, tuổi học trò đã qua, nhưng sao tôi lại muốn níu giữ đến thế, muốn có thêm lần thứ hai để tôi được sống lại trong ngôi nhà chung ấy. Tất cả đã qua chỉ còn những hoài niệm. Tôi cảm thấy bản thân mình thật may mắn khi từng được sống, học tập và rèn luyện dưới mái nhà nội trú huyện thân yêu. Nơi tôi luyện cho tôi nét đẹp tri thức và nhân cách tâm hồn. Đến bây giờ, tôi và các bạn của mình ai cũng có hướng đi riêng, thành công riêng nhưng chúng tôi đều khắc sâu trong lòng đạo lí: " Uống nước nhớ nguồn", luôn hướng về thầy cô và mái trường vỡi lòng biết ơn sâu sắc.
 
image007
        (Thành công bước đầu của trò)

          Tháng 11, tháng của hơi lạnh, của gió đông. Nhưng trong tôi lại cảm thấy thật ấm áp, năng lượng tràn trề, hân hoan chào mừng ngày 20/11/2019, ngày kỉ niệm 50 năm thành lập trường PT DTNT THPT huyên Điện Biên thân yêu! Tôi ngàn lần muốn bày tỏ tình cảm và gửi lời tri ân đến thầy cô của mình. Tôi mong rằng mỗi chúng ta, mỗi thế hệ học trò nhà trường sẽ luôn cố gắng phấn đấu rèn luyện không ngừng để hoàn thiện bản thân mình hơn nữa sao cho xứng đáng với những tình cảm, những hi sinh của thầy cô dành cho ta.
          Có một mái nhà mang cho tôi tri thức, cho tôi những người thân, cho tôi những người cha người mẹ thứ hai tuyệt vời mà suốt đời tôi không bao giờ quên - mái nhà nội trú huyện thân yêu! Mái Nhà chung chưa khi nào tôi thôi nhớ về...
 Nơi mà tôi được học đạo lí:
"Bài học làm người em vẫn nhớ ghi
Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy!".
 
Học sinh: Lê Thị Phương Ly
Lớp : 12C - Niên khoá: 2011 - 2014

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản mới

2173/SGDĐT-TCCB

Thông báo Vv tuyển dụng viên chức khối các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo năm học 2017-2018.(Yêu cầu các đơn vị dán niêm yết công khai)

Lượt xem:479 | lượt tải:77

2172/SGDĐT-GDTX - GDCN

Mở lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho viên chức dạy trong cơ sở giáo dục công lập.

Lượt xem:420 | lượt tải:85

2165/SGDĐT-GDTRH

Triển khai cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc "Tự hào Việt Nam" lần thứ II, năm 2017.

Lượt xem:438 | lượt tải:78
Tìm kiếm tài liệu

Thông tin thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay454
  • Tháng hiện tại8,531
  • Tổng lượt truy cập1,549,037
TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ TRUNG HỌC PHỔ THÔNG HUYỆN ĐIỆN BIÊN
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Địa chỉ: Tổ 16, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên
email: vanbancanbiet@gmail.com
Điện thoại liên hệ: 0215 3 925 292
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây