Trường PT DTNT THPT huyện Điện Biên

http://dtntdienbien.dienbien.edu.vn


NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN VỀ BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN VỀ BIỂN ĐẢO VIỆT NAM
Thực hiện CV số 740 của UBND tỉnh Điện Biên về kế hoạch triển khai chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Được sự chỉ đạo của BGH trường PTDTNT THPT Huyện Điện Biên, Tổ Văn - Sử - Địa - GDCD tổ chức buổi ngoại khoá tuyên truyền với chủ đề “Tự hào biển đảo Việt Nam”.
 
 
Cô giáo Nguyễn Thị Quý – Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn học sinh tìm hiểu về Biển và Đại dương
 
Biển Đông với - Diện tích hơn 3 triệu km2, lớn thứ 2 trong các biển của Thái Bình Dương, lớn thứ 4 trên thế giới, có 9 nước bao quanh. Việt Nam một đất nước dải đất hình chữ S nằm bên bờ tây của Biển Đông có bờ biển dài 3260 km từ Bắc tới Nam. Vùng biển nước ta bao gồm vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển 1982, nước ta có diện tích biển trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền.
Bản đồ Biển – Đảo Việt Nam. Ảnh: Internet
Trong 63 tỉnh, thành phố cả nước có 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các vùng ven biển. Vùng biển nước ta có khoảng 3000 hòn đảo lớn nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng sa và Trường Sa. Được phân bố khá đều theo chiều dài của đất nước. Vì sao biển đông lại có vai trò ảnh hưởng quan trọng với thế giới và Việt Nam như vậy? Đây là khu vực có hơn 50% hàng hoá đường thuỷ và dầu thô của thế giới được chuyên chở qua. Lượng dầu thô được chuyên chở qua Biển Đông gấp 3 lần qua kênh Suez, gấp 5 lần qua kênh Panama. Mỗi ngày có khoảng 200 đến 300 tàu vận tải loại lớn đi qua. Có thể nói đây là con đường chiến lược của giao thương quốc tế.
Đối với Việt Nam, Biển Đông là cửa ngõ duy nhất để ra đại dương. Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông rộng hơn gấp hai lần lãnh thổ trên bộ. Mang lại nhiều nguồn lại về kinh tế như hải sản, khoáng sản, giao thông vận tải, du lịch biển.
Quần đảo Hoàng Sa nằm ở ngoài khơi TP Đà Nẵng. Gồm 15 đảo và nhiều bãi đá ngầm. Trung tâm quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển Việt Nam 200 hải lý, trải dài hơn 16,000 km2. Đảo lớn nhất là Đảo Phú Lâm.
Quần đảo Trường Sa nằm ở huyện đảo tỉnh Khánh Hoà bao gồm khoảng 100 tới 500 đảo, đá và bãi, trải dài trên một vùng biển rộng gần 180,000 km2. Đảo lớn nhất là đảo Ba Bình.
Một số sự kiện liên quan đến việc Trung Quốc chiếm đóng các đảo và xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam:
Đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã xâm chiếm vào các năm: Năm 1946, 1956,1974,1988. Từ sau năm 1988, Trung Quốc tiến hành cải tạo, xây dựng, biến một số thực thể địa lý ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo lớn, đủ để xây dựng và bố trí các thiết bị quân sự hiện đại.
Ngoài ra, Trung Quốc đã nhiều lần đưa tàu thăm dò dầu khí vào thềm lục địa Việt Nam gần đây nhất là đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển của Việt Nam (năm 2014). Nhiều tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc vùng lãnh thổ của Việt Nam bị Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.
Hình ảnh dàn khoan 981 của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Biển – Đảo Việt Nam năm 2014 (Ảnh: Internet)
Trung Quốc ngày 18/4/2020 thông báo thành lập “Quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “Quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”, "Đường lưỡi bò" hay còn gọi "đường 9 đoạn". "Đường 9 đoạn" này xuất phát từ biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ, chạy xuống phía Nam tương tự như hình dáng của bờ biển Đông và Đông Nam Việt Nam và sau đó chạy ngược lên phía Bắc. Việc TQ đưa ra vấn đề trên chưa được một quốc gia hay một tổ chức luật pháp nào của quốc tế công nhận.
 Từ góc độ của luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi phi pháp.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng phản đối mạnh mẽ:
“Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Ảnh: Internet.
Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam là hết sức thiêng liêng, nhưng cũng hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài. Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết và kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, cả ở thực địa và trên mặt trận ngoại giao, qua nhiều kênh và ở nhiều cấp khác nhau để giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo luật pháp quốc tế.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Bộ đội Hải quân (năm 1961): “Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”, lực lượng học sinh ngày nay hãy cùng chung tay phấn đấu, học tập, thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Tuổi trẻ Việt Nam với tình yêu Biển – Đảo quê hương. Ảnh: Internet.
Tác giả: Nguyễn Thị Quý
Nguồn: Tổ Văn - Sử - Địa - GDCD - CN
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây